Tin Hoạt động >> Văn bản mới

GIỚI THIỆU LUẬT ĐƯỜNG SẮT NĂM 2017

13/07/2018 02:11:20 Xem cỡ chữ Google

Luật Đường sắt được ban hành lần đầu vào năm 2005, lần đầu tiên trong lĩnh vực đường sắt Việt Nam có Luật để điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển đường sắt, đảm bảo vai trò của lĩnh vực đường sắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật đã thể hiện được tư duy mới trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đường sắt, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường sắt ở nước ta. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, nhiều quy định mới được ban hành và thực tế hoạt động đường sắt có nhiều thay đổi, đòi hỏi Luật Đường sắt phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành cũng như thực tế hoạt động đường sắt.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách này, được sự phân công của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đường sắt và được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 16 tháng 6 năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Luật gồm 10 chương với 87 điều, tăng 2 chương và giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung. Các quy định sửa đổi, bổ sung của Luật lần này gồm các nội dung cơ bản sau:

Những điểm mới cơ bản của Luật Đường sắt năm 2017

1. Về chính sách phát triển đường sắt (Điều 5)

Chính sách phát triển đường sắt đã được Luật bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, đối với chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia…. Với những chính sách này nhằm định hướng và làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể theo từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển trong hoạt động đường sắt. 

2. Về kết cấu hạ tầng đường sắt (Chương II)

- Thứ nhất, về chủ thể trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt: Bổ sung quy định cụ thể các chủ thể trong công tác quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ thể có trách nhiệm trong quản lý tài sản hạ tầng đường sắt là của cơ quan quản lý nhà nước, theo đó Bộ GTVT thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với tài sản hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.

- Thứ hai, về quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt: Luật quy định rõ giữa chủ thể quản lý và chủ thể sử dụng đất dành cho đường sắt. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được giao quản lý đất dùng để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; quản lý việc sử dụng đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Về phát triển công nghiệp đường sắt (Mục 1 Chương III)

Quy định về công nghiệp đường sắt là quy định mới được bổ sung trong Luật, bao gồm các quy định về yêu cầu phát triển công nghiệp đường sắt, đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trong công nghiệp đường sắt….

4. Về phương tiện giao thông đường sắt (Mục 2 Chương III)

Luật bổ sung quy định đối với niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt. Tuy nhiên, sẽ được thực hiện có lộ trình để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Nội dung này cũng đã giao Chính phủ quy định cụ thể để đảm bảo yêu cầu các phương tiện giao thông đường sắt dần dần được thay thế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

5. Về phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt (Điều 66)

Luật quy định bổ sung cơ chế giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức giao sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; đối với giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

6. Về giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt (Điều 67)

Luật sửa đổi quy định về cơ chế giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt, theo đó xác định rõ giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt là khoản tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt để chạy tàu trong ga, trên tuyến hoặc khu đoạn đường sắt. Đồng thời, xác định trách nhiệm thẩm quyền định giá của Bộ Giao thông vận tải đối với dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; tổ chức, cá nhân quyết định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư.

7. Về hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội (Điều 68)

Luật đã bổ sung quy định về việc Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong trường hợp vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí hợp lý của doanh nghiệp. Trên cơ sở này, Chính phủ làm căn cứ ban hành quy định chi tiết các trường hợp cụ thể và việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp này.

8. Về đường sắt đô thị (Chương VII)

           Quy định về đường sắt đô thị đã được bổ sung cụ thể một số các nội dung trong Luật, bao gồm các quy định về yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, hệ thống kiểm soát vé, quản lý an toàn đường sắt đô thị, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý đường sắt đô thị ....

9. Về đường sắt tốc độ cao (Chương VIII)

Đây là điểm mới của Luật Đường sắt 2017. Các nội dung chủ yếu được quy định trong Chương này bao gồm về yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, quản lý, khai thác, bảo trì, quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao. Các nội dung trong Chương này làm cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao ở nước ta trong thời gian tới.

Những sửa đổi, bổ sung của Luật Đường sắt 2017 đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đường sắt Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động đường sắt, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành, thúc đẩy sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời kỳ mới.

PBGDPL

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h