Tin Hoạt động >> Hoạt động ngành

Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06

26/10/2023 09:50:46 Xem cỡ chữ Google
Thực hiện yêu cầu của Công an tỉnh về tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn doạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm tham mưu, thực hiện của Sở Tư pháp. Về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 thuộc trách nhiệm của ngành Tư pháp đều được Sở Tư pháp chủ động đề ra biện pháp tháo gỡ hoặc phối hợp với các cấp, các ngành để giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mà vẫn chưa được tháo gỡ, cụ thể như sau:

Những khó khăn chung trong quá trình triển khai

              Tỉnh Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm sâu trong nội địa. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển theo nhịp độ chung của quốc gia, tuy nhiên Yên Bái vẫn còn là một tỉnh nghèo, có 02 huyện ở trong danh sách 74 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025; tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh hơn 15.000 hộ; số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn trong dân cư. Xuất phát từ bối cảnh đó, trình độ dân trí nói chung của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn thấp, trình độ tin học, tiếp cận công nghệ thông tin nói riêng còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc khai thác, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ Internet. Đây là khó khăn cơ bản trong việc phát huy hiệu quả của việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về việc không yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận cư trú là điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, đối với các yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp đều thực hiện việc khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện tình trạng không tra cứu được thông tin của một số công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân do không có đủ cơ sở xác định nơi cư trú.

Hiện trạng máy tính của phòng chuyên môn thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cấu hình thấp, truy cập internet chậm, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn, truy cập và cập nhật dữ liệu về hộ tịch điện tử dùng chung. Hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính chưa được kết nối liên thông với các dữ liệu chuyên ngành, công chức thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính phải cập nhật 02 phần mềm, do vậy đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, nhất là với các thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết ngắn và có nhiều yêu cầu của công dân như thủ tục Cấp phiếu lý lịch tư pháp; thủ tục đăng ký khai sinh…vv.

Cán bộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch của các xã, phường, thị trấn được bố trí 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch, tuy nhiên phần lớn chưa được trang bị máy tính riêng mà dùng chung máy tính với văn phòng; máy photocopy ở hầu hết các xã, phường, thị trấn đều chưa được trang bị. Do đó  đã phần nào hạn chế việc khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc xử lý các dịch vụ công.

Khó khăn trong nhiệm vụ Số hóa dữ liệu hộ tịch

            Triển khai thực hiện Quyết định số 1218/QĐ-UBND ngày 12/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch triển khai nhập dữ liệu hộ tịch từ Sổ hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Sở Tư pháp đã phối hợp cùng Công an tỉnh thực hiện việc số hóa dữ liệu từ Sổ hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, Sở Tư pháp đã chủ động tháo gỡ, đồng thời xin ý kiến của Bộ Tư pháp đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Tuy nhiên, còn một vấn đề cần sự phối hợp của Công an tỉnh để đề nghị Bộ Công an tháo gỡ. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông 08a/2010/TT-BTP ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ban hành và hướng dẫn về việc ghi chép, lưu trữ sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch: “Số đăng ký trong năm phải được ghi liên tục từ số 01 đến hết năm; trong trường hợp chưa hết năm mà sử dụng sang sổ khác, thì phải lấy tiếp số thứ tự cuối cùng của sổ trước, không được ghi từ số 01. Đối với sổ được sử dụng tiếp cho năm sau, thì trường hợp đăng ký đầu tiên của năm sau sẽ bắt đầu từ số 01, không được lấy tiếp số thứ tự cuối cùng của năm trước”. Triển khai thí điểm tại Uỷ ban nhân dân phường Nam Cường, thành phố Yên Bái, các sổ hộ tịch đều thực hiện theo quy định trên, tuy nhiên phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ cho phép tạo Sổ hộ tịch theo từng năm, những dữ liệu trong quyển Sổ hộ tịch đó mặc định năm đăng ký theo năm của sổ không cho điều chỉnh. (Ví dụ: Tạo sổ số 01/2000, sổ này được viết từ năm 2000 - 2006,  những dữ liệu trong sổ sẽ mặc định sổ 01 năm 2000 chỉ cho điền ngày tháng năm đăng ký). Những năm 2001 đến 2006 sẽ không nhập được trên phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

            Phần mềm/công cụ hỗ trợ nhập dữ liệu do C06, Bộ Công an xây dựng và quản lý, nên các vướng mắc liên quan đến kỹ thuật nhập dữ liệu (chỉ nhập được sổ hộ tịch theo từng năm, không nhập chung được các năm theo từng trang trong sổ hộ tịch…) không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp. Vấn đề này cần được Cục C06 là đơn vị quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư điều chỉnh hệ thống nhập dự liệu, nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc nhập dữ liệu chính xác và kịp thời.

            Khó khăn trong việc triển khai thực hiện mô hình điểm nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án 06

            Mô hình “Lưu trữ, chứng thực các giấy tờ tài liệu điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia môi trường số” Hiện nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành văn bản quy định về phí chứng thực trong trường hợp thực hiện chứng thực điện tử các bản sao giấy tờ được phép chứng thực. Do đó dẫn đến hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền được giao thực hiện việc chứng thực điện tử vẫn phải vận dụng quy định tại Thông tư số 226/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực. Việc vận dụng quy định tại Thông tư 226/2016/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc thu phí chứng thực điện tử là chưa phù hợp, bởi lẽ chưa có hướng dẫn về mức thu, phương thức thu tiền phí chứng thực trên môi trường điện tử qua Cổng Dịch vụ công.Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có văn bản quy định về việc khai thác các tài liệu đã được chứng thực điện tử trong thực hiện các giao dịch dân sự. Từ đó dẫn đến người dân chưa phát sinh nhu cầu sử dụng tài liệu, giấy tờ đã được chứng thực điện tử. Từ đó, dẫn đến hạn chế rất lớn trong việc triển khai thực hiện mô hình này trên diện rộng.

            Mô hình  “Triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực”: Hiện nay, Sở Tư pháp đã tiến hành liên hệ với Trung tâm nghiên cứu - Ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công an để tìm hiểu thông tin về các thiết bị đọc chip gắn trên Căn cước. Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 1101/STP-HCTP&BTTP ngày 26/7/2023 gửi các Tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh để khuyến khích các đơn vị này tìm hiểu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đầu tư thiết bị đọc QR, đọc chip trên thẻ Căn cước công dân để bảo đảm việc thực hiện mô hình trên theo thời hạn quy định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn chung cho thiết bị đọc chip gắn trên Căn cước, cũng như chưa có hướng dẫn chính thức về đơn vị cung cấp thiết bị. Chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, nội dung thông tin được phép khai thác để phục vụ hoạt động công chứng, chứng thực. Từ đó cản trở rất lớn đến việc triển khai mô hình này trong thực tế.

            Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, trong thời gian tới Sở Tư pháp chủ động thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết và đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc tiếp cận tin học, công nghệ thông tin, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, cải thiện việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh./.

Minh Lý

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h