Tin Hoạt động >> Hoạt động ngành

Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 thuộc trách nhiệm của Sở Tư pháp

03/04/2024 03:21:22 Xem cỡ chữ Google
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm tham mưu, thực hiện của ngành. Về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 thuộc trách nhiệm của ngành đều đã được Sở Tư pháp chủ động đề ra biện pháp tháo gỡ hoặc phối hợp với các cấp, các ngành để giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mà vẫn chưa được tháo gỡ, cụ thể như sau:

Các khó khăn chung trong quá trình triển khai

              Tỉnh Yên Bái hiện vẫn là tỉnh nghèo, trình độ dân trí nói chung của người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn thấp, trình độ tin học, tiếp cận công nghệ thông tin nói riêng còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc khai thác, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ Internet. Đây là khó khăn cơ bản trong việc phát huy hiệu quả của việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về việc không yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận cư trú là điều kiện thực hiện thủ tục hành chính, đối với các yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp đều thực hiện việc khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng không tra cứu được thông tin của một số công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân do không có đủ cơ sở xác định nơi cư trú.

Hiện trạng máy tính của phòng chuyên môn thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cấu hình thấp, truy cập internet chậm, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn, truy cập và cập nhật dữ liệu về hộ tịch điện tử dùng chung.

Hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính chưa được kết nối liên thông với các dữ liệu chuyên ngành, công chức thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính phải cập nhật 02 phần mềm, do vậy đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, nhất là với các thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết ngắn và có nhiều yêu cầu của công dân như thủ tục Cấp phiếu lý lịch tư pháp; thủ tục đăng ký khai sinh…vv.

Bộ phận Tư pháp - Hộ tịch của các xã, phường, thị trấn được bố trí 02 công chức, tuy nhiên nhiều địa phương chưa được trang bị máy tính riêng mà dùng chung máy tính với bộ phận Văn phòng; Máy photocopy ở hầu hết các xã, phường, thị trấn đều chưa được trang bị. Do đó  đã phần nào hạn chế việc khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc xử lý các dịch vụ công.

Khó khăn trong nhiệm vụ Số hóa dữ liệu hộ tịch

            Triển khai thực hiện Quyết định số 1218/QĐ-UBND ngày 12/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch triển khai nhập dữ liệu hộ tịch từ Sổ hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Sở Tư pháp đã phối hợp cùng Công an tỉnh thực hiện việc số hóa dữ liệu từ Sổ hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công an tỉnh đã phối hợp với ngành Tư pháp nhập dữ liệu 535.191 thông tin trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để có cơ sở thực hiện việc tiếp nhận dữ liệu hộ tịch đã được số hóa từ ngành Công an sang cho Sở Tư pháp, bảo đảm việc khai thác, phát huy tối đa hiệu quả của số lượng thông tin hộ tịch đã được số hóa, phục vụ cho công tác chuyên môn của ngành Tư pháp trong lĩnh vực hộ tịch. Ngày 21/11/2023 Sở Tư pháp có Văn bản số 1867/STP-HCTP&BTTP gửi Bộ Tư pháp về việc đề nghị thẩm định thông tin và hướng dẫn tiếp nhận dữ liệu hộ tịch đã được ngành Công an nhập trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Sở Tư pháp vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Tư pháp đối với nội dung trên, do đó Sở Tư pháp vẫn chưa có cơ sở tiếp nhận các dữ liệu hộ tịch (từ 04 loại sổ hộ tịch) do ngành Công an đã thực hiện nhập trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với các sổ hộ tịch chưa được số hóa, tại Sở Tư pháp còn 02 loại sổ hộ tịch gồm: Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con; Sổ thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã còn lại 06 loại sổ hộ tịch: Sổ đăng ký giám hộ; Đăng ký chấm dứt giám hộ; Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con; Sổ đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Sổ ghi chú ly hôn cần được tiếp tục số hoá để đưa vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Sở Tư pháp đã thực hiện và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tiến hành số hóa dữ liệu hộ tịch cập nhật dữ liệu phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung. Tuy nhiên, thông tin Đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc chưa tiến hành nhập liệu được vì phải nhập thông tin Đăng ký khai sinh trước (dữ liệu đăng ký khai sinh đã được ngành Công an nhập độc lập trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chưa đồng bộ với phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung). Vì vậy, vẫn chưa thể tiến hành nhập dữ liệu từ các loại sổ này vào Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung.

Sở Tư pháp nhận thấy: Nếu không có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Bộ Tư pháp cho các địa phương thì không thể hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch trước thời điểm ngày 01/01/2025 như quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Đây là một trong những khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06 tại địa phương.

Khó khăn trong việc triển khai thực hiện mô hình điểm “Lưu trữ, chứng thực các giấy tờ tài liệu điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia môi trường số” nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 theo Kế hoạch số 209/KH-UBND ngày 06/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh

Hiện nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành văn bản quy định về phí chứng thực trong trường hợp thực hiện chứng thực điện tử các bản sao giấy tờ được phép chứng thực. Do đó hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền được giao thực hiện việc chứng thực điện tử vẫn phải vận dụng quy định tại Thông tư số 226/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực. Việc vận dụng quy định tại Thông tư 226/2016/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc thu phí chứng thực điện tử là chưa phù hợp, bởi lẽ chưa có hướng dẫn về mức thu, phương thức thu tiền phí chứng thực trên môi trường điện tử qua Cổng Dịch vụ công.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có văn bản quy định về việc khai thác các tài liệu đã được chứng thực điện tử trong thực hiện các giao dịch dân sự. Từ đó dẫn đến người dân chưa phát sinh nhu cầu sử dụng tài liệu, giấy tờ đã được chứng thực điện tử. Từ đó, dẫn đến hạn chế rất lớn trong việc triển khai thực hiện mô hình này trên diện rộng.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc: Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 cần thực hiện một số nội dung như sau:

Sở Tư pháp chủ động thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc tiếp cận tin học, công nghệ thông tin, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, cải thiện việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn về mức thu, phương thức thu tiền phí chứng thực trên môi trường điện tử qua Cổng Dịch vụ công. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản quy định về việc khai thác các tài liệu đã được chứng thực điện tử trong thực hiện các giao dịch dân sự, từ đó tạo ra nhu cầu của người dân nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử các loại giấy tờ, tài liệu.

Công an tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng đường truyền Internet trên địa bàn, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án 06, từ đó nâng cao chất lượng giải quyết công việc, đẩy mạnh việc thực hiện số hóa giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong yêu cầu cung cấp thủ tục hành chính. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn chung cho thiết bị đọc chip gắn trên Căn cước công dân, cũng như có hướng dẫn chính thức về đơn vị cung cấp thiết bị. Đồng thời xây dựng tài liệu hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, nội dung thông tin được phép khai thác để phục vụ hoạt động công chứng, chứng thực, phục vụ việc triển khai đầu tư thiết bị đọc mã QR, đọc chip trên thẻ Căn cước công dân tại các Tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh./.

Minh Lý

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h