Tin Hoạt động >> Văn bản mới

Đảm bảo giá trị pháp lý cho kết quả hòa giải thành ở cơ sở

29/05/2018 03:23:29 Xem cỡ chữ Google
Hòa giải ở cơ sở là truyền thống tốt đẹp của dân tộc thể hiện nét đẹp văn hóa cộng đồng, tinh thần đoàn kết gắn bó của người Việt Nam, những năm qua, công tác hòa giải ở sơ sở trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày càng nhận được sự quan tâm, chú trọng của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, hạn chế vi phạm pháp luật cũng như các khiếu kiện, khiếu nại của người dân, kết quả hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên ngày càng hiệu quả, tỷ lệ vụ việc hòa giải thành cao (trên 80%). Tuy nhiên thực tế thì không phải mọi cam kết, thỏa thuận của các bên tranh chấp đều được thực hiện sau khi hòa giải thành. Việc công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở (ngoài Tòa án) được quy định trong Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 được xem là quy định hết sức cần thiết, là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo nguyên tắc thiện chí, trung thực và tự chịu trách nhiệm của các bên tranh chấp thông qua quá trình hòa giải cơ sở đã xác lập các cam kết, thỏa thuận, góp phần hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài trong Nhân dân.

Một trong những nguyên tác cơ bản, quan trọng của hoạt động hòa giải ở cơ sở là nguyên tắc tự nguyện. Nguyên tắc này được áp dụng xuyên suốt trong quá trình hòa giải từ khi phát sinh mâu thuẫn tranh chấp cho đến khi kết thúc giải quyết vụ việc (hòa giải thành hoặc không thành) và các bên tự nguyện thực hiện những cam kết, thỏa thuận đó. Nghĩa là, khi có một vụ việc mâu thuẫn tranh chấp xảy ra thì các bên có mâu thuẫn, tranh chấp đó tự nguyện đề nghị, yêu cầu tổ hòa giải hòa giải viên đứng ra giải quyết, tự nguyện tham gia quá trình hòa giải, tự nguyện chọn địa điểm, thời gian phương thức thực hiện hòa giải, tự nguyện đề nghị lập biên bản hòa giải thành (hoặc không thành) và tự nguyện thực hiện các cam kết, thỏa thuận đã được ghi nhận trong biên bản hòa giải thành. Vì là “tự nguyện thực hiện” nên các bên có quyền thực hiện hoặc không thực hiện. Và thực tế xảy ra nhiều trường hợp sau khi các bên tranh chấp đã được hòa giải thành nhưng không thực hiện cam kết, thỏa thuận đã gây không ít khó khăn cho công tác hòa giải. Nhiều hòa giải viên ở cơ sở đã từng chia sẻ rằng: “có cảm giác như đã làm một việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, một việc “công cốc”, một việc tốn công sức, tiền của thời gian mà không mang lại kết quả nào”, và điều này ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến lòng nhiệt tình của người hòa giải, mất dần ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. Vì thế để hòa giải thành một vụ việc, hòa giải viên cùng những người khác (người có uy tín, tổ trưởng, trưởng thôn…) đã bỏ khá nhiều công sức, thời gian để tìm hiểu nguyên nhân, phân tích, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan và nghĩ ra các phương án hòa giải, trong quá trình hòa giải ra sức vận động, thuyết phục, dùng những đạo lý, vận dụng pháp luật để phân tích, chỉ ra những cái sai, cái chưa hợp lý của các bên tranh chấp để các bên hiểu mà có những ứng xử phù hợp và hóa giải những tranh chấp. Đó là chưa kể có những vụ việc phức tạp điển hình phải gặp gỡ từng bên hoặc hòa giải lại nhiều lần. Vậy mà sau khi hòa giải thành, vì lý do nào đó một bên hoặc các bên đã không thực hiện những cam kết, thỏa thuận của kết quả hòa giải thành mặc dù các hòa giải viên đã nhắc nhở, đốc thúc, thậm chí còn “nài nỉ” họ hãy thực hiện những cam kết, thỏa thuận đó. Những trường hợp như vậy không chỉ gây bức xúc cho các bên tranh chấp, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mà còn tạo tâm lý “chán chường” mệt mỏi cho chính những người làm công tác hòa giải ở cơ sở.

            Trước tình hình đó, để đảm bảo hiệu quả cho công tác hòa giải ở cơ sở, đảm bảo các cam kết thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành của các bên tranh chấp được thực thi trên thực tế, Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Theo đó, áp dụng quy định tại Chương 33 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành 01/7/2016) về “Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”

            Theo hướng dẫn, việc công nhận kết quả hòa giải thành phải đáp ứng đủ 5 điều kiện: (1) Các bên tham gia thỏa thuận phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (2) Vụ việc được hòa giải phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở; (3) Các bên tham gia thỏa thuận phải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; (4) Có văn bản hòa giải thành. Nội dung hòa giải thành là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm chốn tránh nghĩa vụ với nhà nước hoặc người thứ ba; (5) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc. Quyết định công nhận hay không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

            Như vậy, sau khi hòa giải thành với những cam kết, thỏa thuận mà các bên đạt được, một trong các bên hoặc các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành đó, yêu cầu này cũng là hoàn toàn tự nguyện. Trong trường hợp xét thấy đáp ứng đầy đủ điều kiện. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành thì tại thời điểm này, các cam kết, thỏa thuận của các bên phải được thực hiện một cách bắt buộc như quyền, nghĩa vụ dân sự mà các bên đã xác lập, nếu bên nào vi phạm không thực hiện thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

 Hy vọng rằng trong thời gian tới, hòa giải viên ở cơ sở nhanh chóng nắm bắt và vận dụng hiệu quả quy định này trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn cụ thể để các bên tranh chấp hiểu và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình./.

PBGDPL

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h